Vô sinh, vô sinh nam, vô sinh nữ, chữa bệnh vô sinh

Bộ phận sinh dục nữ

  1. Âm hộ

Bộ phận sinh dục nữ

Âm hộ gồm tất cả những phần bên ngoài nhìn thấy được từ xương vệ (xương mu) đến tầng sinh môn.

Vùng mu (đồi vệ nữ): là lớp tổ chức mỡ nằm trên xương vệ có lông bao phủ bên ngoài.

Âm vật: tương đương với dương vật ở nam giới nhưng không có thể xốp và không có niệu đạo nằm trong. Âm vật dài khoảng 1-2 cm.

Hai môi lớn: ở hai bên âm hộ, nối tiếp với đồi vệ nữ đến vùng tầng sinh môn.

Hai môi nhỏ: là hai nếp gấp của da ở trong 2 môi lớn.

Lỗ niệu đạo: nằm ở dưới âm vật, hai bên lỗ niệu đạo có tuyến Skène.

Màng trinh và lỗ âm đạo: màng trinh có nhiều dạng khác nhau, có nhiều đầu dây thần kinh cảm giác, không có sợi cơ trơn, che ống âm đạo bên trong, chỉ chừa một lỗ nhỏ ở giữa để máu kinh nguyệt ra ngoài. Hai bên lỗ âm đạo có tuyến Bartholin, có nhiệm vụ tiết dịch giúp âm đạo không bị khô.

Âm hộ, cấu tạo bộ phận sinh dục nữ

Âm hộ – Bộ phận sinh dục nữ

  1. Âm đạo

Âm đạo là ống cơ trơn nối âm hộ đến cổ tử cung, nằm giữa niệu đạo và bàng quang ở phía trước, trực tràng ở phía sau. Âm đạo có chiều dài khác nhau giữa các thành: thành trước 6,5 cm, thành sau 9,5 cm, 2 thành bên 7,5 cm. Khi đẻ, âm đạo có thể giãn rộng để thai nhi đi qua được.

Niêm mạc âm đạo thường có nhiều nếp nhăn ngang,  chịu  ảnh hưởng của các nội tiết tố nữ, thường hơi ẩm do dịch tiết từ cổ tử cung và buồng tử cung ra.

Âm đạo, cấu tạo bộ phận sinh dục nữ

Âm đạo – Cấu tạo bộ phận sinh dục nữ

  1. Tầng sinh môn

Tầng sinh môn hay đáy chậu gồm tất cả các phần mềm, cân, cơ, dây chằng bịt lỗ dưới khung chậu. Tầng sinh môn có dạng hình trám, giới hạn ở phía trước là bờ dưới xương vệ, hai bên là hai ụ ngồi, phía sau là đỉnh xương cụt.

Tầng sinh môn có nhiệm vụ nâng đỡ các cơ quan trong tiểu khung (bàng quang, tử cung, âm đạo, trực tràng). Khi sinh đẻ, tầng sinh môn phải giãn mỏng và mở ra để ngôi thai và các phần của thai thoát ra ngoài. Trong giai đoạn sổ thai, nếu tầng sinh môn không giãn tốt có thể bị rách và có thể tổn thương đến nút thớ trung tâm đáy chậu. Trường hợp tầng sinh môn bị nhão do đẻ nhiều lần hoặc do rách mà không được khâu phục hồi sẽ dễ bị sa sinh dục về sau.

  1. Tử cung

Tử cung là cơ quan tạo thành bởi các lớp cơ trơn dày. Đây là nơi làm tổ và phát triển của trứng đã thụ tinh cho tới khi thai trưởng thành. Khối lượng tử cung thay đổi tuỳ theo giai đoạn phát triển của người phụ nữ, theo chu kỳ kinh nguyệt và tình trạng thai nghén

Tử cung, cấu tạo bộ phận sinh dục nữ

Tử cung có dạng hình nón cụt, đáy rộng ở trên, được chia làm 3 phần:

Thân tử cung

Thân tử cung có dạng hình thang, phần rộng ở trên gọi là đáy tử cung, hai góc bên là chỗ ống dẫn trứng thông với buồng tử cung, là nơi bám của hai dây chằng tròn và dây chằng Tử cung – Buồng trứng, gọi là sừng tử cung.

Thân tử cung có chiều dài khoảng 4 cm, chiều rộng khoảng 4-5 cm, trọng lượng khoảng 50 gam (ở những người đẻ nhiều, kích thước tử cung có thể lớn hơn một chút).

Eo tử cung

Eo tử cung là nơi thắt nhỏ lại, tiếp giáp giữa thân tử cung và cổ tử cung, dài khoảng 0,5 cm. Vào tháng cuối của thời kỳ thai nghén và khi chuyển dạ, eo tử cung sẽ giãn ra và trở thành đoạn dưới tử cung.

Cổ tử cung

Cổ tử cung bình thường dài khoảng 2 – 3 cm, rộng khoảng 2 cm. Lúc chưa đẻ cổ tử cung tròn đều, mật độ chắc, lỗ ngoài của cổ tử cung tròn. Khi người phụ nữ đã đẻ, cổ tử cung dẹp lại, mật độ mềm hơn, lỗ ngoài cổ tử cung rộng ra và không tròn như lúc chưa đẻ. Càng đẻ nhiều, lỗ cổ tử cung càng rộng ra theo chiều ngang.

  1. Buồng trứng

Buồng trứng là cơ quan vừa nội tiết (tiết ra estrogen từ tuổi vị thành niên đến tuổi mãn kinh), vừa ngoại tiết (phóng noãn).

Buồng trứng có hình hạt, dẹt, có hai mặt trong và ngoài, hai đầu trên và dưới, nằm áp vào thành bên của chậu hông, phía sau dây chằng rộng, chếch vào trong và ra trước. Buồng trứng có kích thước khoảng 3,5 cm x 2 cm x 1 cm. Trước tuổi vị thành niên, buồng trứng nhẵn đều.

Buồng trứng và ống dấn trứng

  1. Ống dẫn trứng (Vòi trứng)

Ống dẫn trứng là ống dẫn noãn từ buồng trứng tới tử cung, có một đầu mở vào ổ bụng để đón noãn còn đầu kia thông với buồng tử cung. Noãn thường được thụ tinh trong ống dẫn trứng, sau đó mới di chuyển vào buồng tử cung. Nếu vì một lý do nào đó trứng thụ tinh không vào được buồng tử cung, thì trứng sẽ phát triển ở ống dẫn trứng gây nên chửa ngoài tử cung.

Ống dẫn trứng dài 10 -12 cm. Lỗ thông vào buồng tử cung có đường kính khoảng 3 mm, còn lỗ thông vào ổ bụng thì rộng hơn, khoảng 8 mm.

Ống dẫn trứng được chia làm 4 đoạn:

Đoạn kẽ nằm trong thành tử cung dài khoảng 1 cm, chạy chếch lên trên và ra ngoài.

Đoạn eo chạy ngang ra ngoài, dài 3 – 4 cm, đó là chỗ cao nhất của ống dẫn trứng.

Đoạn bóng dài khoảng 7 cm, chạy dọc theo bờ trước của buồng trứng.

Đoạn loa toả ra như hình phễu, có khoảng 10 – 12 tua, mỗi tua dài 1 – 1,5 cm. Tua dài nhất là tua Richard dính vào dây chằng ống dẫn trứng – buồng trứng, hứng noãn bào chạy vào ống dẫn trứng.

(Theo Lương y Nguyễn Hữu Toàn)